Trang Thông tin điện tử xã Khánh Nhạc
Chào mừng bạn đến với Website (Đang chạy thử nghiệm) xã Khánh Nhạc- huyện Yên Khánh- tỉnh Ninh Bình

Dữ liệu đang được cập nhật

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
31145

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 50

Hôm qua: 0

Toàn văn bài diễn văn ôn lại truyền thống của đồng chí Lê Hồng Kiên, Bí thư BCH Đảng bộ xã tại Hội nghị gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã Khánh Nhạc

Thứ ba, 30/05/2023

(Đồng chí Lê Hồng Kiên, Bí thư BCH Đảng bộ xã Khánh Nhạc đọc diễn văn Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ xã (01/6/1948-01/6/2023))

Kính thưa: Đồng chí Hoàng Văn Thắng, TUV, BT Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện;

 - Kính thưa các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy, Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, UBMTTQ VN huyện;

- Kính thưa các đồng chí Nguyên Lãnh đạo xã qua các thời kỳ;

- Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

  - Thưa các đồng chí! và toàn thể nhân dân.

Trong những ngày này, toàn Đảng bộ và các tầng lớp Nhân dân trong xã đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023); kỷ niệm 220 năm danh xưng Yên Khánh (1803-2023).

Được sự nhất trí của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng bộ, chính quyền và dân xã long trọng tổ chức buổi Gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã Khánh Nhạc (01/6/1948 - 01/6/2023) và ra mắt tái bản, bổ sung cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã 1948 – 2022”.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ xã, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện, các đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa; lãnh đạo xã qua các thời kỳ; các quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể đảng viên, Nhân dân xã nhà lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Tại buổi gặp mặt kỷ niệm trọng thể này, với niềm biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, cách mạng và nhân dân. Chúng ta tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ đã trọn đời cống hiến, hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các gia đình có công với nước, gia đình liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong xã đã đóng góp cho sự phát triển của Đảng bộ và của xã Khánh Nhạc suốt 75 năm qua.

Kính thưa các vị đại biểu khách quí!

Thưa các đồng chí! và toàn thể nhân dân.

Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã là dịp để cùng nhau ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang nhưng vô cùng khó khăn, gian khổ và rất đỗi tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã nhà; hiểu thêm về lịch sử cách mạng, sự cống hiến của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên trong xã để có được Khánh Nhạc như ngày hôm nay.

Trước hết phải nói đến sự kiện ra đời của Đảng vào ngày 03/02/1930; đây là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối cứu nước; mở đầu thời đại mới trong lịch sử dân tộc - có Đảng tiên phong lãnh đạo giành độc lập, tự do cho đất nước.

Ngày 05/9/1945, Chi bộ Đảng huyện Yên Khánh được thành lập trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của huyện. Cuối năm 1945, Mặt trận Việt Minh xã được thành lập. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Uỷ ban kháng chiến xã được thành lập do ông Nguyễn Văn Sỹ làm chủ tịch.

Tháng 7/1947, xảy ra vụ côn đồ Phúc Nhạc (do tên Cao Văn Thắng người Nam Định cầm đầu); Sau khi trấn áp xong vụ côn đồ, Huyện uỷ Yên Khánh cử đồng chí Phạm Ngô (tức Tùng), Huyện uỷ viên và một số cán bộ xuống giúp Phúc Nhạc củng cố lại Phong trào và phát hiện những người ưu tú để phát triển Đảng. Đồng chí Phạm Kim Tiến và Nguyễn Văn Sỹ là 2 người đầu tiên của xã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày 01/6/1948, tại xã Tân An (ngày nay là xã Khánh An), đ/c Lê Định, phó bí thư Huyện uỷ Yên Khánh công bố quyết định thành lập chi bộ xã Phúc Nhạc gồm 3 đồng chí; Đồng chí Phạm Kim Tiến được chỉ định làm Bí thư Chi bộ; đây là sự kiện chính trị mang tính lịch sử, là bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng ở xã.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chính quyền được củng cố; tập hợp, xây dựng các cơ sở cách mạng; xây dựng các lực lượng du kích, công an và các tổ chức quần chúng; sau 5 tháng chi bộ đã kết nạp thêm 13 đảng viên; các phong trào “chống thù trong giặc ngoài”, “diệt giặc dốt, giặc đói” được chi bộ chỉ đạo phát động mạnh mẽ.

Đến tháng 10/1948, chi bộ Phúc Nhạc tiến hành Đaị hội lần thứ nhất, gồm 15 đồng chí tham dự. Đại hội bầu ra ban chi uỷ gồm 3 đồng chí: đ/c Phạm Kim Tiến - bí thư; đ/c Nguyễn Văn Sỹ - phó bí thư.

Tháng 7/1949, theo chủ trương của Tỉnh uỷ Ninh Bình và Huyện uỷ Yên Khánh, hai xã Phúc Nhạc và Khang Ninh sáp nhập thành xã Khánh Ninh, Chi bộ Khánh Ninh; Chi bộ tổ chức Đại hội tại đền Thượng thôn Yên Ninh. Đại hội bầu Ban chi uỷ mới gồm 7 đồng chí, do đ/c Phạm Kim Tiến làm bí thư.

Ngày 19/10/1949 quân Pháp tiến quân chiếm đóng Phúc Nhạc, chúng biến Phúc Nhạc thành sào huyệt của chúng, nhà Chung thành căn cứ quân sự. Quân Pháp cùng các thế lực phản động đẩy mạnh các hoạt động phá hoại, khủng bố, bắt giam, giết hại cán bộ, đảng viên, gây mất đoàn kết lương - giáo. Trước tình thế đó Chi bộ đã khắc phục khó khăn, triển khai kế hoạch bám trụ địa bàn, bám dân, bán đất, xây dựng cơ sở; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo; và luôn ghi nhớ lời dạy của Bác "Mọi người Việt Nam dù là công giáo hay không công giáo, phật giáo hay không phật giáo, phải đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà... Kính chúa nhưng phải yêu nước, nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”. Với việc vận dụng chủ trương linh hoạt, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, Chi bộ đã lãnh đạo củng cố lòng tin của cán bộ, nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và bọn phản cách mạng; xây dựng lực lượng vững mạnh gây cho địch nhiều tổn thất.

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường nhất là tại mặt trận Điện Biên phủ; Ngày 30/6/1954 địch rút chạy khỏi Phúc Nhạc. 9 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp thắng lợi, trong đó có hơn 5 năm trực tiếp đối mặt với quân thù, chi bộ Phúc Nhạc đã vững vàng lãnh đạo phong trào cách mạng, lãnh đạo chính quyền, nhân dân trong xã đoàn kết, đóng góp sức người, sức của góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp 30 đồng chí đã anh dũng hy sinh, gần 1.000 lượt dân quân, du kích phối hợp với bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cán bộ và nhân dân Phúc Nhạc được Chính Phủ tặng thưởng 30 Huân chương, 48 Huy chương, 20 Bằng khen...

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý

Thưa các đồng chí và toàn thể nhân dân.

Khi hòa bình được lập lại, chi bộ được kiện toàn, tập trung lãnh đạo nhân dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất. Những tháng cuối năm 1954, đầu năm 1955, bọn phản động tăng cường hoạt động cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Chúng tung ra các tin đồn, lừa bịp giáo dân lương thiện, đồng thời có các hoạt động chống phá chính quyền. Chi bộ đã đề ra những biện pháp kiên quyết, kịp thời, tập trung tuyên truyền chống lại luận điệu xuyên tạc, cưỡng ép của bọn phản động; vận động nhân dân ở lại xây dựng quê hương. Đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đẩy mạnh sản xuất  làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch.

Giữa năm 1956, thực hiện chủ trương của huyện, Phúc Nhạc tách khỏi xã Khánh Ninh thành xã Khánh Nhạc. Chi bộ Khánh Nhạc được tái lập gồm 14 đảng viên. Chi bộ đã tập trung vào việc sửa sai trong cải cách ruộng đất, bảo vệ và phát huy thành quả của cách mạng, tập chung lãnh đạo tiến hành xây dựng mối quan hệ sản xuất XHCN, thành lập các tổ đổi công, xây dựng các HTX sản xuất nông nghiệp.

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965), Huyện uỷ Yên Khánh ra quyết định thành lập Đảng bộ xã Khánh Nhạc, với 6 chi bộ trực thuộc. Đảng bộ lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố quan hệ sản xuất mới, đưa các HTX bậc thấp lên bậc cao, từ qui mô nhỏ lên qui mô vừa. Đồng thời chỉ đạo sản xuất đi vào thâm canh, tăng năng xuất, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, tăng cường công tác thuỷ lợi nội đồng, cải tạo đồng ruộng.... Trong giai đoạn này Khánh Nhạc là xã dẫn đầu của huyện về giao thông thuỷ lợi, được Chính phủ tặng thưởng 2 Huân chương lao động và nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện

Từ năm 1965, do thất bại ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá Miền Bắc hòng cắt đứt nguồn chi viện của hậu phương cho Miền Nam. Thực hiện chủ trương của trên, Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện việc chuyển các hoạt động kinh tế - xã hội từ thời bình sang thời chiến, thực hiện phương châm “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Khánh Nhạc đã dốc lòng, dốc sức chi viện cho Miền Nam ruột thị với khẩu hiệu “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người” “mỗi người làm việc bằng 2 vì miền Nam ruột thịt”. Rất vinh dự cho Đảng bộ, nhân dân xã Khánh Nhạc, ngày 20/6/1974 được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm HTX Hợp Tiến đơn vị điển hình thâm canh giỏi của miền Bắc và thăm cán bộ, nhân dân xã Khánh Nhạc. Thủ tướng biểu dương và dặn dò cán bộ, đảng viên và nhân dân Khánh Nhạc tăng cường đoàn kết lương - giáo tích cực sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến lớn.

Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, Khánh Nhạc đã đóng góp trên 10.000 tấn thóc, gần 1.300 tấn lợn hơi, 600 thanh niên vào bộ đội, 164 người đã anh dũng hy sinh, hàng trăm người trở thành thương, bệnh binh mất đi một phần xương máu của mình tại các chiến trường, bị nhiễm chất độc hóa học; cùng với hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần xứng đáng cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cán bộ và nhân dân Khánh Nhạc được Chính phủ tặng thưởng: 190 Huân chương; 113 Huy chương; 56 Bằng khen; các chiến sỹ quân đội nhân dân là con em Khánh Nhạc được Nhà nước tặng thưởng 655 Huân chương chiến sỹ giải phóng; 163 Huân chương chiến công; 85 Huy chương chiến sĩ giải phóng, cùng nhiều bằng khen, giấy khen các loại.

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý

Thưa toàn thể nhân dân.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiệm Chính trị của Đảng bộ và nhân dân Khánh Nhạc chuyển sang một giai đoạn mới, tập trung vào công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc; đẩy mạnh cải tạo và phát triển kinh tế; xây dựng HTX quy mô toàn xã, đáp ứng với sản xuất lớn XHCN. Được Huyện uỷ chọn làm điểm chỉ đạo, Đảng bộ Khánh Nhạc đã lãnh đạo toàn dân tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Kết quả năm 1976, năng xuất lúa bình quân đạt 68,1 tạ/1ha, làm nghĩa vụ 1.283 tấn thóc, 79,6 tấn lợn hơi, là một trong hai HTX nông nghiệp đóng góp lương thực cao nhất miền Bắc, được bộ lương thực, thực phẩm tặng bằng khen.

Hòa bình chưa được bao lâu, quân và dân xã nhà lại cùng cả nước bước vào 2 cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Hàng trăm con em quê hương lại lên đường nhập ngũ, 30 đồng chí đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12 năm 1986 cả nước bước vào công cuộc xây dựng, đổi mới toàn diện đất nước. Đảng bộ xã quyết tâm chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm là phát triển sản xuất; triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”. Khánh Nhạc đã thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, văn hoá - xã hội, chính quyền được củng cố, trật tự an ninh duy trì tốt, đời sống nhân dân ổn định.

Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 25 (9-1986) đã kiểm điểm sâu sắc tình trạng thiếu thống nhất trong nội bộ và biểu thị quyết tâm phấn đấu giành lại danh hiệu “Đảng bộ vững mạnh” và vị trí cờ đầu trong huyện. Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình V-A-C, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiến bộ vào sản xuất. Năm 1992 HTX Hợp Tiến áp dụng công nghệ sản xuất lúa của tiên tiến Nhật Bản vào sản xuất từ khâu che phủ nilon bảo vệ và chủ động mạ đạt kết quả cao từ đó nhân ra toàn xã và khu vực trồng lúa của vùng đồng bằng sông Hồng.

Các kỳ đại hội Đảng bộ xã lần thứ 32 đến  đại hội Đảng bộ xã lần thứ 34 Công tác xây dựng Đảng được tập trung thực hiện đồng bộ: Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát Đảng được tăng cường; công tác dân vận được đẩy mạnh; phương thức lãnh đạo của cấp uỷ các cấp được chú trọng đổi mới, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và đặc điểm của từng giai đoạn. Từ 3 đảng viên khi mới thành lập, đến nay, Đảng bộ xã có 27 chi bộ trực thuộc, 602 đảng viên, trong đó có 50 đảng viên là người có đạo. Đảng bộ luôn đề cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn đảng, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thực đến hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự tin tưởng, đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của HĐND và UBND xã ngày càng đáp ứng yêu cầu; nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể được chú trọng đổi mới, luôn làm tốt công tác vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân góp phần quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, dân chủ được phát huy; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bộ máy chính quyền.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ xã luôn xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; lấy đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững làm mục tiêu phát triển. Trên cơ sở đó, Đảng bộ xã đã đề ra nhiều nghị quyết, giải pháp phù hợp để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của xã, vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về kinh tế xã hội:

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 13-15%/năm; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ chiếm 86%; Nông nghiệp chiếm 14% (cụ thể: NN 14% - TTCN 48,2% - DV 37,8%)

- Nông nghiệp: Vận dụng kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tỉnh, huyện đã thúc đẩy nền nông nghiệp xã nhà phát triển nhanh hơn, mạnh hơn theo hướng hàng hóa, hữu cơ; chăn nuôi gia súc gia cầm, thuỷ sản nước ngọt của xã được quan tâm phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung, chủ yếu là lợn thịt, lợn nái sinh sản, trâu bò, vịt, cá… Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt trên 138 triệu đồng/ha.

HTX Hợp Tiến, Đồng Tiến mở rộng quy mô và các loại hình dịch vụ; lắp đặt thêm lò sấy lúa, kho dự trữ, đầu tư máy cấy, xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ làm thương hiệu gạo Khánh Nhạc đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển sản xuất trong giai đoạn mới. Hợp tác xã Hợp Tiến được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”;

- Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng được quan tâm phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, đặc biệt là khu vực dọc theo tuyến đường QL10, ĐT483, ĐT481B, và khu dân cư mới. Mạng lưới chợ, nhà hàng, siêu thị nhỏ và vừa phát triển mạnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn và các xã lân cận. Hiện nay toàn xã có 2 hợp tác xã và gần 900 hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp giải quyết việc làm thường xuyên thu nhập ổn định cho trên 7.000 lao động, thu nhập từ 5,5-7,5 triệu đồng/người/năm.

- Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư nâng cấp. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng, đến nay đã có 19/20 xóm thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao, dân vũ phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Thực hiện có kết quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hằng năm, có trên 93% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 100% xóm được công nhận là xóm văn hóa các cấp.

  - Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, cả 3 cấp học, 4 nhà trường đều đạt chuẩn mức độ 2, thuộc tốp đầu ngành giáo dục huyện; trong đó trường THCS, trường THA được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng nhất; trong đó trường THCS đạt chất lượng giáo dục mức độ 3, chuẩn mức độ 2 đầu tiên bậc THCS của tỉnh, được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, UBND tỉnh Ninh Bình tặng cờ thi đua xuất sắc và được TW Hội khuyến học tặng bằng khen; trường THA được được Sở GD&ĐT tặng Bằng khen 05 năm điển hình tiên tiến. Phong trào khuyến học, khuyến tài được cấp uỷ quan tâm, phát huy hiệu quả Quỹ khuyến học xã góp phần khích lệ tinh thần hiếu học của con em quê hương.

- An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 90%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao 0,13% = 5 hộ, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội” được duy trì và hoạt động hiệu quả; Nguồn vốn cho vay của NHCSXH, vay quỹ tín dụng nhân dân xã đã góp phần cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

- Công tác xây dựng NTM, NTM nâng cao được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt với cách làm sáng tạo, hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là xây dựng các công trình phúc lợi, đường giao thông nông thôn được mở rộng, bê tông hóa, nhựa hóa tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, TM, DV; hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa 19 xóm được nâng cấp khang trang, hiện đại; đi đầu huyện trong xây dựng, khai thác hiệu quả hệ thống đài truyền thanh thông minh, hệ thống camera an ninh toàn xã,... Tổng kinh phí đã huy động xây dựng nông thôn mới nâng cao trên 325 tỷ đồng, trong đó: Nhân dân đầu tư 166 tỷ đồng, chiếm 50.97%; Doanh nghiệp 7 tỷ đồng, chiếm 2.15 %; ngân sách nhà nước 152.710 triệu đồng, chiếm 46.88%. Đến nay có 13/20 xóm đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn được đổi mới rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan, đường làng ngõ xóm thực sự sáng, xanh, sạch đẹp, ý thức trách nhiệm của người dân được nâng lên; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. 

Một nông thôn hoàn toàn đổi mới, với điện, đường, trường, trạm khang trang, sạch đẹp. Một xã hội học tập với dân trí được nâng cao, biết tiếp thu cái mới, cái tiến bộ trong khoa học, kỹ thuật để vận dụng vào đời sống và sản xuất. Chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội được củng cố vững chắc. Với sự cố gắng đó năm 2021 Đảng bộ và Nhân dân xã Khánh Nhạc đã hoàn thành các tiêu chí, được công nhận đạt xã Nông thôn mới nâng cao (đơn vị đầu tiên của tỉnh Ninh Bình). Kết quả khảo sát 99,97 % người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã.

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý

Thưa các đồng chí và toàn thể nhân dân!

Những kết quả đạt được của Đảng bộ trong 75 năm qua là rất đáng trân trọng và tự hào. Song, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự hi sinh, công lao đóng góp to lớn của các thế hệ cha ông đi trước, chưa đáp ứng được niềm mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân. Trong thời gian tới Đảng bộ xã xác định phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa; vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện; phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung nâng cao tốc độ tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trọng tâm là:

Một là:  Về lĩnh vực Phát triển kinh tế

Khuyến khích phát triển mạnh hơn nữa các hoạt động thương mại, dịch vụ và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp phát triển sản xuất trên địa bàn, giải quyết tốt lao động việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của xã.

Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo đồng bộ, hiện đại nâng cao chất lượng môi trường sống, cảnh quan gắn với xây dựng NTM kiểu đáp ứng quá trình đô thị hóa ở nông thôn.

Hai là: Về văn hóa - xã hội

Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, khuyến khích nhân dân giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội. Tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là: Về công tác xây dựng chính quyền:

Chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động của chính quyền, mà trọng tâm là cải cách hành chính, hoàn thành xây dựng chính quyền số (đơn vị làm điểm của huyện); nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công tác. Củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ phải thực sự vững mạnh, có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu cao trong thực thi nhiệm vụ, phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu của xã phải thực sự tiên phong, gương mẫu, nêu gương trong mọi công việc, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ xã.

Bốn là: Hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội 

Chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội xã phải phát huy hơn nữa vai trò chức năng, hiệu quả hoạt động; thực sự sát sao với cơ sở, với đoàn viên, hội viên và là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong xã; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương – giáo. Phản ánh kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân các xóm để Đảng ủy chỉ đạo hiện thực hóa thông qua xây dựng, thực hiện các nghị quyết, chủ trương, tổ chức các phong trào thi đua qua đó thực hiện tốt được nguyên tắc dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Năm là: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Tiếp tục tập trung cao cho công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị của xã nhằm giữ vững sự đoàn kết, thống nhất; quan tâm hơn nữa công tác phát triển đảng, nhất là đảng viên là người có đạo, đảng viên là công nhân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực ngoài Nhà nước; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, chất lượng đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, khuyết điểm của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên góp phần, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu, kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý

Thưa các đồng chí và toàn thể nhân dân!

Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử xuyên suốt 75 năm qua không chỉ là minh chứng sinh động về sức mạnh “Ý Đảng - lòng dân” mà còn tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển mới của Đảng bộ xã Khánh Nhạc. Kế thừa và phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đảng bộ xã cùng với cả hệ thống chính trị sẽ nỗ lực cao hơn để triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 34, xây dựng xã nhà giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về văn hoá, xứng đáng là miền quê đáng sống mà ai đi xa cũng nhớ về.

Kính chúc các vị đại biểu, khách quý, các đồng chí và toàn thể nhân dân mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công!

 Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

\