Trang Thông tin điện tử xã Khánh Nhạc
Chào mừng bạn đến với Website (Đang chạy thử nghiệm) xã Khánh Nhạc- huyện Yên Khánh- tỉnh Ninh Bình

Dữ liệu đang được cập nhật

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
30628

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 28

Hôm qua: 0

Khánh Nhạc: Sẵn sàng thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã

Thứ năm, 26/08/2021

            Là một trong 13 xã được UBND tỉnh chọn triển khai thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã năm 2021, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) đã và đang nỗ lực xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm khả thi, sát tình hình thực tiễn nhằm hướng tới xây dựng mô hình "xã thông minh".    

 

Bộ phận một cửa xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) nhập dữ liệu công dân bằng phần mềm quản lý. Ảnh: Trường Giang

 

Đồng chí Mai Trọng Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Việc thực hiện thí điểm bắt đầu từ ngày 1/8/2021 đến 30/12/2021. Đảng ủy, UBND xã Khánh Nhạc xác định đây là cơ hội để thay đổi tổng thể về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất nhằm mang lại những tiện ích cho người dân nhờ công nghệ. Do vậy, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm thực hiện thành công thí điểm chuyển đổi số. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, đó là: Tập trung phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin dùng chung, các yếu tố nền tảng phục vụ chuyển đổi số; phát triển một số ứng dụng, dịch vụ số nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và tổ chức; tăng cường khả năng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền; nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền; ứng dụng các nền tảng số để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế, giải quyết những vấn đề bức thiết trên địa bàn; bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, thuận lợi của xã Khánh Nhạc khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số, đó là hiện 100% thôn, xóm được kết nối Internet; 75% máy tính của các cán bộ, công chức đều đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số; 100% cán bộ, công chức xã được cấp chứng thư số và cơ bản thực hiện ký văn bản điện tử theo quy định, thực hiện tốt quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản trong hệ thống chuyển nhận văn bản. Hiện tại, các cán bộ, công chức của xã đã được Sở Thông tin và Truyền thông  tập huấn hướng dẫn sử dụng các hệ dùng chung của tỉnh và các kiến thức, kỹ năng số cơ bản theo phương thức "cầm tay chỉ việc", đảm bảo cán bộ, công chức của xã có thể bắt nhịp ngay với yêu cầu của chuyển đổi số.

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, xã cũng đã khảo sát, phân tích, đánh giá những khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, đó là: nhận thức của cán bộ xã, thôn; hạ tầng công nghệ; trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân… còn hạn chế. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục. "Chúng tôi xác định lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số đó là Đoàn thanh niên-lực lượng nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ thông tin." - đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết thêm.

Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, hiện xã Khánh Nhạc đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai việc số hóa một số lĩnh vực như: Thực hiện dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS, phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp cho các nhà trường; thực hiện tư vấn khám sức khỏe từ xa thông qua các ứng dụng của nhà mạng; tiếp tục hướng dẫn nhân dân cài đặt ứng dụng Bluezone để chung tay phòng, chống dịch COVID-19… Đồng thời xã đã triển khai tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, góp phần hình thành thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, tăng tính công khai, minh bạch.

Cùng với đó, xã Khánh Nhạc đã bắt đầu triển khai thực hiện mô hình truyền thanh thông minh, sử dụng ứng dụng AI để phát bản tin truyền thanh thay cho việc đọc trực tiếp như trước. Đến nay, hệ thống đã hoàn thành và hoạt động thông suốt. Anh Nguyễn Văn Thùy, cán bộ bán chuyên Đài Truyền thanh xã Khánh Nhạc cho biết: Trước đây, để xuất bản một chương trình truyền thanh của xã, tôi phải mất nhiều thời gian trong việc đọc, thu, phát và sửa lỗi trong quá trình thu âm. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo AI tự động nhận dạng và chuyển văn bản trực tiếp thành giọng nói với các lựa chọn đa dạng về giọng nam, giọng nữ của các vùng miền để phát ra hệ thống loa, không cần thu âm. Mặt khác, việc phát bản tin của Đài Truyền thanh xã đã linh hoạt hơn rất nhiều, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực, đồng thời có thể theo dõi những sự cố về đường truyền và sửa trực tiếp trên máy tính có kết nối Internet mà không cần đến tận nơi đặt bộ thu phát. "ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đài truyền thanh ở cơ sở là một giải pháp mang lại nhiều tiện ích và hiệu quả cao bởi nó vừa đảm bảo tính chính xác lại vừa tiết kiệm thời gian cho nhân viên của Đài."- anh Thùy khẳng định.

Một trong những mục tiêu của mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã năm 2021 được đặt ra cho các địa phương, đó là 100% các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi xã theo chương trình OCOP được quảng bá qua mạng Internet như qua mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, các trang thông tin điện tử… Đối với Khánh Nhạc, xã có 1 sản phẩm được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao là sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty TNHH Xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa. Doanh nghiệp này đã và đang đẩy mạnh quảng bá, xuất khẩu hàng hóa qua mạng Internet.

Để triển khai thực hiện thí điểm thành công mô hình chuyển đổi số, Khánh Nhạc còn rất nhiều việc phải làm và rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Song, với sự chủ động, tích cực triển khai ngay từ những ngày đầu đã cho thấy tinh thần quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền xã Khánh Nhạc nhằm tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Thùy Phương