Trang Thông tin điện tử xã Khánh Nhạc
Chào mừng bạn đến với Website (Đang chạy thử nghiệm) xã Khánh Nhạc- huyện Yên Khánh- tỉnh Ninh Bình

Dữ liệu đang được cập nhật

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
31621

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 52

Hôm qua: 0

Yên Khánh tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa

Thứ sáu, 23/06/2023

Hiện trên địa bàn huyện Yên Khánh có 194 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, có 56 công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa (12 di tích cấp Quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh). Bên cạnh những yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ đó đòi hỏi công tác quản lý và phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa cần được quan tâm, thực hiện tốt.

Đền thôn Đỗ, xã Khánh Nhạc có vài hạng mục quan trọng đã bị xuống cấp, cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Theo khảo sát của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Khánh, hiện trên địa bàn huyện còn một số di tích lịch sử-văn hóa đã xuống cấp, gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Như di tích lịch sử đền thôn Đỗ, xã Khánh Nhạc, đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2014, di tích này được Nhà nước đầu tư kinh phí tu bổ, sửa mái tiền đình, còn các hạng mục khác, hàng năm được nhân dân trong làng cúng tiến kinh phí để trùng tu. Hiện nay, còn một số hạng mục quan trọng đã bị xuống cấp, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn để sửa chữa, nâng cấp.   

Ông Mai Trọng Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Năm 2014, di tích đền thôn Đỗ đã được tu sửa một phần, nhưng hiện giờ còn phần hậu cung bị dột nát, xuống cấp nghiêm trọng, rất cần sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước để nâng cấp di tích. Với trách nhiệm của mình, xã cũng đã tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, cùng với Nhà nước tu bổ, bảo tồn di tích đã được xếp hạng trên địa bàn.

Di tích đình Yên Phú, xã Khánh An được xây dựng cách đây hơn 400 năm. Năm 2001, đình được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay nhiều hạng mục của đình bị mục, phần mái bị hư hỏng nặng. Vào những ngày trời mưa, đình bị dột nhiều chỗ. Ông Đinh Ngọc Thất, Thủ từ đình Yên Phú, xã Khánh An chia sẻ: Trước sự xuống cấp của đình, chúng tôi khắc phục bằng cách che bạt, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Đình xuống cấp, số người dân tới sinh hoạt văn hóa tâm linh cũng ít hơn. Mong muốn của người dân là được các cấp hỗ trợ kinh phí, để sửa chữa, nâng cấp, bảo tồn di tích, không để bị mai một theo thời gian.

Theo chính quyền các địa phương, một trong những nguyên nhân chính khiến các di tích được xếp hạng bị xuống cấp, phần lớn là do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt và thời gian. Các di tích lịch sử - văn hóa như đình, đền, chùa, miếu..., thường có một số hạng mục cấu tạo từ gỗ, hệ thống cột cái, vì kèo, giàn mái... qua thời gian sử dụng và mối mọt xâm hại, nên bị xuống cấp, mục ruỗng, thấm dột, ảnh hưởng đến nội thất bên trong các di tích. Trong khi, việc duy tu, sửa chữa đối với di tích không được thường xuyên, do hạn chế về kinh phí, dẫn đến nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vẫn có những cách làm đa dạng, phù hợp, huy động được sự tham gia của người dân,  ủng hộ về tiền bạc, vật phẩm, nhằm sửa chữa, tôn tạo các di tích đã bị mai một, xuống cấp. Tiêu biểu như di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia - đền Văn Giáp, xã Khánh An. Năm 2011, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", di tích được đại tu, với nguồn kinh phí trên 10 tỷ đồng. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, con em xa quê và nhân dân trong làng đã tiến cúng gần 1 tỷ đồng và trên 5.000 m2 đất, để xây hồ, tu sửa các hạng mục nhỏ trong khuôn viên đền... 

Theo ông Tạ Nguyên Long, Phó Ban quản lý di tích lịch sử-văn hóa đền Văn Giáp, việc huy động xã hội hóa xây dựng tu sửa; quản lý và bảo vệ di tích nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng thực hiện của các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi cho rằng, việc làm này đã giúp giáo dục các thế hệ về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của cha ông. Đồng thời tuyên truyền đến người dân, nhất là thế hệ trẻ về lịch sử, ý nghĩa của di tích để họ nâng cao ý thức trong việc bảo vệ. Với tấm lòng tôn kính, sùng bái tổ tiên của nhân dân, ngôi đền được bảo tồn và trở thành địa điểm tâm linh, thu hút du khách thập phương tới thăm quan, chiêm bái.

Ông Phạm Đăng Khoa, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Khánh cho biết: Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng và được ưu tiên hàng đầu của ngành Văn hóa cũng như chính quyền và người dân các địa phương. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Công tác thông tin, tuyên truyền về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích được quan tâm, triển khai thực hiện sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Các Ban quản lý di tích thường xuyên được kiện toàn, chọn được những người tham gia tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ. 

Đồng thời, các di tích cũng thường xuyên được trùng tu, tôn tạo, tu bổ chống xuống cấp. Hàng năm, Trung ương và tỉnh, huyện đều có kế hoạch đầu tư, trích ngân sách để trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp. Tuy nhiên, do số lượng di tích cần sửa chữa nhiều, nguồn ngân sách duy tu phải chia nhỏ, trong khi việc huy động nguồn lực xã hội hóa và đóng góp của người dân cho công tác này còn có mức độ.  

Việc quan tâm, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, chính là lưu giữ những tinh hoa, tài sản văn hóa lâu đời của dân tộc, để không bị mai một hay mất đi. Việc phát huy vai trò của cộng đồng, xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, tri ân đối với những người có công với nước, nâng cao ý thức bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa trong mỗi người dân. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích một cách bền vững, làm giàu cho di sản văn hóa Việt Nam, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển du lịch, kinh tế-xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: Hạnh Chi (Báo Ninh Bình)

Bài viết khác