Trang Thông tin điện tử xã Khánh Nhạc
Chào mừng bạn đến với Website (Đang chạy thử nghiệm) xã Khánh Nhạc- huyện Yên Khánh- tỉnh Ninh Bình

Dữ liệu đang được cập nhật

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
31159

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 13

Hôm qua: 0

Hám lợi trước mắt, nhiều người dân dùng kích điện tận diệt giun đất

Chủ nhật, 06/08/2023

Hiện nay nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đang sử dụng kích điện để bắt giun đất. Thậm chí có những người còn đầu tư lò mổ, máy sấy để bán cho thương lái. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường.

Vì lợi nhuận mà nhiều người dân đang tận diệt loài giun đất.

Tận diệt giun đất

Trong vai những người muốn tìm hiểu giun đất khô, nhóm phóng viên đã gặp gỡ chủ một lò mổ giun tự xưng là Lịch, tại thôn 12, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Gọi là lò mổ nhưng thực chất chỉ là cái lán tạm, được lợp sâu dưới góc vườn. Bước vào khu vực này, mùi hôi tanh bốc lên rất khó chịu. Đau xót hơn là cảnh tượng 2 người đàn ông đang nhanh tay giết mổ hàng chục kg giun đất.

Theo quan sát, những con giun ở đây có kích thước rất lớn, ước chừng to bằng ngón tay người trưởng thành, chiều dài khoảng 40-50 cm. Một người đàn ông trẻ tuổi bốc những con giun cho vào một cái máy xẻ ruột. Nước thải xả trực tiếp ra vườn, ruồi nhặng bay đến tanh hôi. Nhanh như chớp hàng nghìn con đã bị xử lý dưới lưỡi cắt đó. Còn một người khác có nhiệm vụ rửa những con giun này để đưa đi sấy. 

Trong gian bếp lụp xụp, bụi bặm, hai người khác đang sắp xếp những con giun được sơ chế vào chiếc phên thép. Đây chính là công đoạn trước khi đi sấy giun.

Giun tươi được sơ chế, đưa đi phơi khô

Người chủ lò ở đây cho biết: Mỗi ngày, lò mổ của anh ta nhận khoảng 400 kg giun tươi từ các hộ dân trong xã và các xã lân cận. Giun được đánh bắt bằng kích điện tại các vùng đồi núi, đồng ruộng trên địa bàn tỉnh nên giun không bị xây xát thân mình, số lượng ổn định.

Hiện gia đình người này cũng cung cấp máy kích điện cho 40 người dân trong tỉnh với hình thức "cho thuê". Trung bình mỗi ngày, 1 máy có thể khai thác 10 kg giun tươi thậm chí hơn.

Thiết bị kích điện dùng để bắt giun có nguồn gốc từ Trung Quốc

ột người đàn ông khác tên Vinh, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan giới thiệu: Mỗi ngày anh có thể gom được khoảng 1-2 tạ giun đất tươi để bán cho các lò mổ. Giun được gom là hàng loại to, có trọng lượng từ 20-25 con/kg (kích thước khoảng bằng ngón tay của người lớn) và chủ yếu được bắt ở đồi núi của Nho Quan và Hòa Bình.

Anh này cho biết, chỉ cần đầu tư một máy kích điện có xuất xứ từ Trung Quốc với giá từ 5-6 triệu đồng là có thể "hành nghề". Khi sử dụng, chỉ cần nối hai đầu dây điện vào hai chiếc tua-vít. Sau đó cắm tua-vít xuống đất. Chiếc máy sẽ phát ra tiếng rè rè rất chói tai. Những con giun từ to tới bé ở dưới lòng đất cứ vậy bắt đầu ngoi lên. 

Với những con không đủ kích thước thì sẽ bị bán cho các hồ câu, xưởng xay thức ăn gia súc. Thậm chí nhiều con bị "mặc kệ" cho say điện, say nắng và chết khô trên mặt đất. 

Hệ lụy khôn lường

Hiện giun tươi được thu mua với giá 40-60 nghìn đồng/kg; giun khô có giá bán từ 700.000-900.000 nghìn đồng/kg. Với lợi nhuận cao như vậy, nhiều người dân đã bất chấp quy định pháp luật, lén lút đánh kích khiến giun đất không còn đường sống.

Đáng nói, khi được hỏi không một ai trong số những "nhà cung cấp" biết mục đích chính của việc thu mua giun là để làm gì. Ai cũng chỉ mang máng là bán sang Trung Quốc làm thuốc, làm mỹ phẩm,… Chỉ cần thấy có lợi nhuận cao, sẵn nguồn nguyên liệu trong lòng đất mà không ít người quên đi mối nguy hại sau này.

Chưa có số liệu thống kê nhưng có thể khẳng định được rằng số lượng giun đất bị đánh bắt, bức tử một cách tàn nhẫn mỗi ngày lên tới hàng chục tạ. Bởi theo chủ lò mổ tên Lịch, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp thì chỉ riêng địa phương này đã có 3 người đầu tư máy sấy, lò mổ.

Theo đại diện Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Con giun đất có vai trò vô cùng quan trọng với sản xuất nông nghiệp. Nó được ví như một lưỡi cày sinh học của nhà nông, làm cho đất tơi xốp, đồng thời là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tạo điều kiện để sinh ra các chất hữu cơ có lợi cho cây trồng, giúp cây trồng phát triển tốt. 

Khi đánh bắt giun đất bằng kích điện sẽ làm giun và các loài sinh vật khác trong đất bị tổn thương hàng loạt và mang tính hủy diệt. Vì vậy, sẽ làm môi trường đất bị suy thoái, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Tình trạng kích, bắt giun đất bằng xung điện đang diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh, gây bức xúc dư luận và để lại những hệ lụy khôn lường. Thực tế, những bài học từ việc các thương lái lạ thu gom ốc bươu vàng, đỉa, lá mãng cầu, cam non, cau non, hoa thanh long… trong thời gian qua vẫn còn đó. Không ai biết họ mua những thứ đó để làm gì, chỉ biết sau khi họ bỏ đi, người nông dân đành "ngậm ngùi" ôm trái đắng. 

Hành vi đánh bắt giun đất bằng kích điện đã vi phạm điều cấm theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tuy nhiên hiện nay, do chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun nên chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở nên chưa đủ sức răn đe.

Trong khi đó, các đối tượng kích điện đánh bắt giun đất thường hoạt động vào lúc nửa đêm, trời mưa, địa bàn đồi núi, đi lại rất khó khăn. Vì vậy, để bảo vệ giun đất, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng dùng kích điện để bắt giun, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường. 

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp, địa phương cần tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, tránh vì lợi nhuận trước mắt mà hủy hoại môi trường, hủy hoại nền nông nghiệp nước ta. Nhất là khi mùa mưa đang đến gần - là thời điểm mà theo những người bắt giun là mùa dễ dàng đánh bắt với số lượng nhiều nhất.

Bài, ảnh: Hoàng Bách - Minh Hả (Báo Ninh Bình)